Dữ liệu thứ cấp (Secondary Data) là gì? Các nguồn thu thập dữ liệu nổi bật


Tác giả: Võ Tuấn Hải - Kiểm duyệt: Võ Tuấn Hải - Lượt xem : 20046
Ngày đăng: / Ngày cập nhật:

Trong quy trình nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lược marketing, dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định chính xác. Bên cạnh nguồn dữ liệu thu thập trực tiếp từ khảo sát thực tế, doanh nghiệp còn có thể tận dụng dữ liệu thứ cấp đã được công bố trước đó. Vậy dữ liệu thứ cấp là gì, đặc điểm ra sao và cách thu thập như thế nào? Hiểu đúng về loại dữ liệu này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả phân tích trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Dữ liệu thứ cấp
Dữ liệu thứ cấp

1. Dữ liệu thứ cấp là gì?

Trong các loại hình nghiên cứu thị trường, việc thu thập thông tin đóng vai trò then chốt để đưa ra kết luận chính xác, đáng tin cậy. Bên cạnh dữ liệu sơ cấp được thu thập trực tiếp từ thực tế, dữ liệu thứ cấp ngày càng được sử dụng rộng rãi nhờ tính sẵn có, tiết kiệm thời gian, chi phí.

1.1. Khái niệm dữ liệu thứ cấp

Dữ liệu thứ cấp (Secondary Data) là thông tin đã được thu thập, xử lý và công bố trước đó bởi cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị khác, không phải do người sử dụng hiện tại trực tiếp thu thập lần đầu tiên. Chúng bao gồm tài liệu, báo cáo, bài báo, dữ liệu thống kê hoặc bất kỳ loại thông tin nào có sẵn từ các nghiên cứu trước. Dữ liệu thứ cấp hỗ trợ phân tích và triển khai nghiên cứu mới mà không cần phải thực hiện khảo sát hay thu thập dữ liệu từ đầu, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đáng kể.

Tìm hiểu khái niệm dữ liệu thứ cấp là gì
Tìm hiểu khái niệm dữ liệu thứ cấp là gì

1.2. Các loại dữ liệu thứ cấp

Dữ liệu thứ cấp phân thành 2 loại chính: Dữ liệu bên ngoài & Dữ liệu nội bộ.

  • Dữ liệu bên ngoài: Thông tin được thu thập từ các nguồn không thuộc về tổ chức hoặc cá nhân đang sử dụng như báo cáo nghiên cứu, tài liệu công khai, số liệu thống kê từ các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, đối tác nghiên cứu, tài liệu từ công ty nghiên cứu thị trường. Nguồn dữ liệu truy cập dễ dàng qua internet, thư viện, cơ sở dữ liệu học thuật.

  • Dữ liệu nội bộ: Thông tin được thu thập và lưu trữ bởi chính tổ chức hoặc cá nhân đó. Bao gồm báo cáo tài chính, dữ liệu bán hàng, thông tin khách hàng, số liệu nhân sự và kết quả nghiên cứu thị trường nội bộ. Chúng được lưu trữ trong hệ thống quản lý dữ liệu của doanh nghiệp như cơ sở dữ liệu CRM (Customer Relationship Management), các hệ thống thông tin quản lý khác.

1.3. Điểm mạnh và điểm yếu dữ liệu thứ cấp

Dữ liệu thứ cấp mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Dưới đây là bảng thông tin chi tiết.

Ưu điểm của dữ liệu thứ cấp

Nhược điểm của dữ liệu thứ cấp

  • Dễ dàng tiếp cận: Thông tin thường có sẵn, giúp nhà nghiên cứu tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

  • Tiết kiệm chi phí: Sử dụng dữ liệu đã có giúp cắt giảm chi phí thu thập dữ liệu mới thông qua khảo sát hoặc phỏng vấn.

  • Tiết kiệm thời gian: Nhanh chóng tổng hợp thông tin từ các nguồn hiện hữu giúp rút ngắn thời gian thực hiện nghiên cứu.

  • Khả năng so sánh: Dữ liệu thứ cấp cho phép so sánh với nghiên cứu trước đó, từ đó đưa ra những kết luận chính xác hơn.

  • Khám phá thông tin mới: Qua phân tích dữ liệu thứ cấp, người dùng có thể phát hiện các thông tin hoặc xu hướng tiềm ẩn nghiên cứu sơ cấp có thể bỏ lỡ.

  • Chất lượng không đảm bảo: Dữ liệu từ các nguồn khác nhau có thể không đồng nhất, tạo ra vấn đề về độ chính xác, tin cậy.

  • Không phù hợp nhu cầu: Thông tin có thể không liên quan trực tiếp đến mục đích nghiên cứu, khiến việc áp dụng gặp khó khăn.

  • Thông tin lỗi thời: Dữ liệu có thể đã cũ hoặc không còn phù hợp bối cảnh hiện tại, ảnh hưởng đến độ chính xác tổng thể.

  • Thiếu chi tiết: Dữ liệu thứ cấp thường không cung cấp đủ thông tin cần thiết cho một số nghiên cứu chuyên sâu, buộc người sử dụng phải tìm kiếm thêm thông tin từ nguồn khác.

2. Nguồn dữ liệu thứ cấp

Khám phá các phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp nổi bật, không thể bỏ qua khi tiến hành secondary research.

2.1. Thông tin nội bộ

Thông tin nội bộ là dữ liệu được thu thập và lưu trữ bởi chính tổ chức, giúp hỗ trợ các quyết định kinh doanh. Một số nguồn nội bộ hữu ích:

  • Báo cáo tài chính: Cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình tài chính doanh nghiệp, bao gồm doanh thu, chi phí, lợi nhuận, các chỉ số tài chính khác.

  • Dữ liệu bán hàng, khách hàng, nhân sự: Thông tin doanh số bán hàng, hồ sơ khách hàng, dữ liệu nhân sự giúp đánh giá hiệu quả hoạt động, xu hướng thị trường, nhu cầu người tiêu dùng.

  • Báo cáo nghiên cứu thị trường nội bộ: Ghi nhận kết quả từ các nghiên cứu được thực hiện trong nội bộ, giúp phân tích, hiểu rõ thị trường cũng như phản ứng khách hàng.

  • Cơ sở dữ liệu CRM: Thông tin lưu trữ trong hệ thống quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM) giúp theo dõi, quản lý, phân tích hành vi khách hàng, từ đó tối ưu hóa chiến lược marketing và bán hàng.

2.2. Sách

Sách là nguồn dữ liệu thứ cấp quan trọng, cung cấp những kiến thức, thông tin sâu rộng nhiều chủ đề khác nhau. Qua các ấn phẩm này, người đọc có thể tiếp cận các nghiên cứu, luận văn, tài liệu chuyên ngành đã được chuyên gia biên soạn, kiểm chứng.

  • Tính chuẩn xác: Sách xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín, đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy thông tin.

  • Khả năng tổng hợp: Sách có thể tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, giúp người đọc có cái nhìn tổng quát, sâu sắc về vấn đề.

  • Hỗ trợ nghiên cứu: Nhiều sách cung cấp thông tin chi tiết về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, rất hữu ích.

Việc tham khảo sách có thể giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và thông tin, từ đó áp dụng phát triển hoạt động kinh doanh.

2.3. Báo/Tạp chí chuyên ngành

Báo và tạp chí chuyên ngành là nguồn dữ liệu thứ cấp đầy tiềm năng, cập nhật thông tin về các nghiên cứu, xu hướng và phát triển trong lĩnh vực cụ thể.

  • Thông tin chất lượng: Những ấn phẩm này thường được biên soạn bởi chuyên gia trong ngành, đảm bảo tính chính xác cao

  • Nghiên cứu phân tích: Báo và tạp chí chuyên ngành cung cấp bài viết nghiên cứu, phân tích tình hình và dự báo tương lai, giúp người đọc tiếp cận kiến thức chuyên sâu.

  • Tài liệu tham khảo: Nguồn tài liệu hữu ích, phục vụ nghiên cứu và luận án.

  • Cập nhật liên tục: Các ấn phẩm này thường xuyên được phát hành, giúp người đọc nắm bắt kịp thời những thông tin mới, chính xác các diễn biến trong ngành.

2.4. Cơ sở dữ liệu học thuật

Cơ sở dữ liệu học thuật là nguồn thông tin phong phú, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nghiên cứu, bài viết, tài liệu chuyên ngành. 3 cơ sở dữ liệu học thuật nổi tiếng:

  • Google Scholar: Cung cấp quyền truy cập vào hàng triệu bài viết nghiên cứu, luận văn, sách và tài liệu từ nhiều lĩnh vực, dễ dàng tìm kiếm tài liệu theo chủ đề hoặc tác giả và theo dõi các xu hướng nghiên cứu.

  • JSTOR: Kho lưu trữ điện tử chứa hàng triệu bài viết học thuật, sách và tài liệu đa dạng lĩnh vực. JSTOR thế mạnh về tài liệu các ngành khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật, hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu.

  • ScienceDirect: Nền tảng trực tuyến cho các tài liệu khoa học và kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực y tế, môi trường và công nghệ. ScienceDirect cho phép người dùng truy cập các bài báo nghiên cứu và tổng quan những nghiên cứu mới nhất trong cộng đồng khoa học.

2.5. Công ty nghiên cứu thị trường

Công ty nghiên cứu thị trường giữ vai trò then chốt giúp thu thập và phân tích dữ liệu thứ cấp, cung cấp thông tin hữu ích. Công ty uy tín trong lĩnh vực này:

  • Nielsen: Công ty hàng đầu trong việc đo lường, phân tích hành vi tiêu dùng. Nielsen cung cấp báo cáo chuyên sâu về thị trường, giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu, sở thích khách hàng, từ đó tối ưu hóa chiến lược kinh doanh.

  • Kantar: Dịch vụ nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng tiêu dùng, thông tin chi tiết hiệu suất thương hiệu, hỗ trợ đưa ra quyết định chính xác dựa trên dữ liệu.

  • Q&Me: Công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, Q&Me cung cấp các giải pháp nghiên cứu đa dạng, bao gồm khảo sát trực tuyến và nghiên cứu người tiêu dùng. Đơn vị giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn thị trường nội địa, từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả.

2.6. Cơ quan Chính phủ

Cơ quan chính phủ là nguồn dữ liệu thứ cấp quý giá, cung cấp thông tin chính xác và có uy tín ở lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Một số cơ quan chính phủ nổi bật tại Việt Nam:

  • Tổng cục Thống kê: Cơ quan này thu thập và công bố số liệu thống kê quốc gia như dân số, lao động, kinh tế & phát triển xã hội. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê giúp các nhà nghiên cứu cũng như doanh nghiệp nắm vững tình hình kinh tế,  xã hội đất nước.

  • Bộ Công Thương: Cơ quan này cung cấp thông tin về ngành công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Dữ liệu công bố rất hữu ích cho những ai muốn nắm bắt tình hình thị trường, chính sách phát triển kinh tế.

  • Ngân hàng Nhà nước: Cơ quan điều hành hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ, tỷ giá, chỉ số tài chính, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư và tài chính chuẩn xác.

2.7. Tổ chức quốc tế

Tổ chức quốc tế giúp các quốc gia và doanh nghiệp có góc nhìn rõ nét hơn về tình hình toàn cầu. Tổ chức quốc tế tiêu biểu:

  • World Bank (Ngân hàng Thế giới): Cung cấp dữ liệu liên quan đến phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân tại các quốc gia. Báo cáo từ World Bank thường được sử dụng để đánh giá tình hình tài chính, phát triển bền vững.

  • International Monetary Fund (IMF): Thông tin về ổn định tài chính toàn cầu, đánh giá các chính sách tiền tệ và tài chính các quốc gia. Dữ liệu từ IMF giúp nhà nghiên cứu phân tích xu hướng kinh tế, dự báo biến động tài chính.

  • United Nations (Liên Hợp Quốc): Tổ chức này công bố nhiều dữ liệu đề cập tới phát triển bền vững, nhân quyền, môi trường. Nguồn thông tin từ UN hỗ trợ việc lập kế hoạch chính sách, theo dõi mục tiêu phát triển toàn cầu.

  • World Health Organization (WHO): Chuyên thông tin về sức khỏe cộng đồng và các dịch bệnh toàn cầu. WHO hỗ trợ các quốc gia xây dựng chiến lược y tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

2.8. Internet

Internet là nguồn dữ liệu thứ cấp phong phú, cung cấp thông tin đa dạng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Người dùng có thể truy cập thông tin từ các website, blog, mạng xã hội, nơi chia sẻ kiến thức, trải nghiệm và ý tưởng. Các trang web chuyên ngành cung cấp bài viết, nghiên cứu và báo cáo, blog thường chia sẻ quan điểm cá nhân, thông tin hữu ích từ các chuyên gia. Mạng xã hội giúp người dùng cập nhật xu hướng, thảo luận và kết nối cộng đồng. Với khả năng truy cập dễ dàng và nhanh chóng, Internet trở thành nguồn tài liệu quan trọng trong nghiên cứu, quyết định kinh doanh.

Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp
Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp

3. Vai trò dữ liệu thứ cấp trong marketing

Dữ liệu thứ cấp là phần không thể thiếu trong chiến lược marketing hiện đại. Việc sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác, tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu. Lợi ích của dữ liệu thứ cấp trong marketing:

  • Tiết kiệm thời gian chi phí nghiên cứu thị trường: Dữ liệu thứ cấp được thu thập sẵn từ các nguồn như báo cáo ngành, thống kê chính phủ, bài viết học thuật, nên doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, thời gian cho việc tiến hành khảo sát mới.

  • Cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thị trường: Cơ sở để doanh nghiệp đánh giá xu hướng ngành, nhu cầu tiêu dùng và sự biến động thị trường nhanh chóng.

  • Hỗ trợ xây dựng chiến lược marketing thành công: Dữ liệu thứ cấp giúp doanh nghiệp phân tích SWOT, lựa chọn thị trường mục tiêu, định hướng chiến lược tiếp thị phù hợp.

  • Nền tảng cho nghiên cứu sơ cấp: Trước khi tiến hành khảo sát trực tiếp, doanh nghiệp có thể dựa vào dữ liệu thứ cấp để xác định vấn đề nghiên cứu và thiết kế bảng hỏi tối ưu.

  • Đối chiếu và kiểm chứng kết quả nghiên cứu: Khi đã có dữ liệu sơ cấp, việc so sánh với dữ liệu thứ cấp giúp tăng độ tin cậy, khách quan quá trình phân tích.

Tầm quan trọng dữ liệu thứ cấp khi thực hiện marketing
Tầm quan trọng dữ liệu thứ cấp khi thực hiện marketing

4. Tiêu chuẩn chọn nguồn dữ liệu thứ cấp

Không phải tất cả nguồn dữ liệu thứ cấp đều đáng tin cậy hoặc phù hợp mục tiêu nghiên cứu marketing. Lựa chọn nguồn dữ liệu cần tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo chất lượng, độ chính xác. Những tiêu chí quan trọng giúp đánh giá lựa chọn nguồn dữ liệu thứ cấp tốt:

  • Tính tin cậy nguồn cung cấp: Ưu tiên sử dụng dữ liệu từ các tổ chức uy tín như cơ quan nhà nước, trường đại học, tổ chức nghiên cứu thị trường hoặc doanh nghiệp lớn.

  • Tính cập nhật thời gian thu thập dữ liệu: Dữ liệu nên được thu thập gần với thời điểm nghiên cứu để phản ánh chính xác xu hướng thị trường hiện tại.

  • Mức độ liên quan đến mục tiêu nghiên cứu: Chọn dữ liệu phù hợp vấn đề marketing đang được phân tích, tránh thông tin không liên quan hoặc thiếu chiều sâu.

  • Phương pháp rõ ràng: Ưu tiên các nguồn có thông tin minh bạch về cách thức thu thập, cỡ mẫu, phương pháp khảo sát và xử lý dữ liệu.

  • Chi phí sử dụng hợp lý: Cân nhắc giữa giá trị thông tin và chi phí bỏ ra, đặc biệt với các nguồn dữ liệu trả phí hoặc yêu cầu bản quyền.

5. Cách thu thập dữ liệu thứ cấp

Thu thập dữ liệu thứ cấp là quy trình đòi hỏi sự chỉn chu để đảm bảo thông tin đầu vào có độ tin cậy và phù hợp mục tiêu nghiên cứu. Các bước cơ bản để thực hiện hiệu quả:

  • Xác định những dữ liệu cần thiết: Định hình rõ mục tiêu nghiên cứu, loại thông tin cần thu thập và phạm vi dữ liệu phù hợp.

  • Tìm kiếm nguồn tài liệu: Lựa chọn các nguồn dữ liệu đáng tin cậy như báo cáo nghiên cứu, thống kê nhà nước, tài liệu học thuật, bài viết chuyên ngành.

  • Tiến hành thu thập dữ liệu: Tổng hợp thông tin từ các nguồn đã chọn, lưu trữ và phân loại theo chủ đề hoặc nhóm nội dung.

  • Đánh giá dữ liệu đã thu thập: Kiểm tra độ tin cậy, tính cập nhật và mức độ phù hợp mục tiêu nghiên cứu để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Các bước nghiên cứu dữ liệu thứ cấp
Các bước nghiên cứu dữ liệu thứ cấp

6. Ví dụ về dữ liệu thứ cấp

Nhiều thương hiệu lớn đã và đang khai thác hiệu quả dữ liệu thứ cấp để phục vụ hoạt động nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và tối ưu chiến lược marketing. Ví dụ minh họa về cách các thương hiệu ứng dụng dữ liệu thứ cấp trong chiến lược kinh doanh:

  • Coca-Cola: Thương hiệu thường xuyên tham khảo báo cáo tiêu dùng từ các tổ chức uy tín như Nielsen và Euromonitor để theo dõi xu hướng sử dụng đồ uống có gas tại các thị trường khác nhau, từ đó điều chỉnh khẩu vị, bao bì, thông điệp truyền thông đáp ứng đúng nhu cầu từng khu vực.

  • Vinamilk: Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam về thông tin về dân số, thu nhập và mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người, giúp Vinamilk xác định tiềm năng phát triển sản phẩm mới và mở rộng phân phối tại các khu vực nông thôn.

  • Shopee: Thương hiệu thương mại điện tử này tận dụng dữ liệu từ Google Trends và báo cáo của Kantar để phân tích hành vi tìm kiếm sản phẩm theo mùa, từ đó lên kế hoạch cho các chiến dịch khuyến mãi, sự kiện Mega Sale.

  • Highlands Coffee: Highlands Coffee tham khảo báo cáo đô thị hóa và dữ liệu dân cư từ cơ quan nhà nước để chọn địa điểm mở cửa hàng tại các khu vực có mật độ dân cư cao, thu nhập ổn định, góp phần tối ưu hóa chiến lược phân phối.

KẾT LUẬN

Dữ liệu thứ cấp là khía cạnh thiết yếu trong nghiên cứu phân tích thông tin. Dữ liệu sơ cấp và thứ cấp là hai nguồn thông tin thiết yếu trong quá trình nghiên cứu và phân tích. Hiểu đúng nguồn gốc, cách thu thập và ứng dụng của dữ liệu thứ cấp sẽ giúp doanh nghiệp khai thác tối đa giá trị từ nguồn thông tin này. Hãy bắt đầu áp dụng những kiến thức đã được chia sẻ trong bài viết để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và kinh doanh.


Võ Tuấn Hải, một chuyên gia marketing với hơn 15 năm kinh nghiệm, là người sáng lập và CEO của Siêu Tốc Marketing. Ông là tác giả của mô hình marketing độc quyền "Ma Trận Bao Vây," được thiết kế đặc biệt để giúp các doanh nghiệp SME tối ưu hóa chiến lược marketing một cách hệ thống và bền vững. Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn, ông Hải đã đồng hành cùng hàng ngàn doanh nghiệp, hỗ trợ họ vượt qua thách thức và đạt được tăng trưởng lâu dài. Tầm nhìn chiến lược và sự tận tâm của ông đã giúp nhiều doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu mạnh mẽ và khác biệt​.

Bài viết cùng chủ đề
0901 349 349
Facebook
Zalo: 0901349349